loading...
Bấm vào đây để xem thống kê điểm chuẩn lớp 10 các tỉnh thành
Mua bán Bitcoin - ETH - Các loại coin bấm vào đây
Võ Thu Tịnh
Hoạn Thư là một nhân vật trong "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du (1765-1820), cốt chuyện dựa vào quyễn "Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, mà nhân dịp đi sứ ở Trung Hoa (1813) cụ đã đem về nước. Đầu đuôi chuyện Hoạn Thư đánh ghen Kiều thế nào? Tưởng có thể tóm lược lại như sau:
Vương viên ngoại có hai gái Thúy Kiều và Thúy Vân rất đẹp. Nhân tiết thanh minh, Kim Trọng gặp Kiều, cả hai "tình trong như đã, mặt ngoài còn e ". Kim Trọng liền mượn cớ du học thuê nhà cạnh vườn họ Vương. Kiều và Kim Trọng có dịp hội ngộ, trao tặng thoa và quạt làm tin.
Cha mẹ và cả nhà về quê ngoại, Kiều cáo bệnh không đi, đêm sang nhà Kim Trọng, cùng thề ước sẽ lấy nhau. Bất ngờ Kim Trọng phải về Liêu Dương phục tang. Trong lúc ấy, nhà họ Vương mắc nạn. Kiều quyết hy sinh bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền chuộc cha, rồi nhờ em là Thúy Vân thay nàng đáp tình Kim Trọng.
Mã Giám Sinh lừa Kiều đưa vào lầu xanh. Kiều không chịu, bị Tú Bà đánh đập, nàng rút dao tự tử nhưng không chết. Tú Bà lo thuốc men, hứa gả chồng cho nàng. Kiều mắc mưu Sở Khanh dẫn đi trốn, bị Tú Bà bắt lại đánh đòn tàn nhẫn, cuối cùng nàng phải chịu tiếp khách.
Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư, con quan Lại bộ, nhưng chàng lấy cớ theo cha kinh doanh, để đi xa vợ cho được tự do ăn chơi. Thúc Sinh đến lầu xanh gặp Kiều, nghe nàng đàn và họa thơ, thì say mê, bỏ tiền chuộc ra. Thúc ông biết con trai ăn ở với một gái giang hồ liền làm đơn kiện. Quan phủ xử phạt Kiều phải chọn hai điều: "Một là cứ phép gia hình. Một là lại cứ lầu xanh phó về". Kiều xin chịu "gia hình" bị đánh roi, nhất quyết không thuận trở về lầu xanh. Thúc Sinh thấy Kiều bị đòn tơi tả, động lòng khóc rằng: "Kiều đã nhiều lần khuyên chàng phải về xin phép cha và vợ cả, vì chàng không chịu nghe nên mới xảy ra oan khốc này!" Quan phủ hỏi lại nguồn cơn, rồi khen rằng: "Trăng hoa song cũng thị phi biết điều! " Lại nghe Kiều có ăn học, nên bảo làm một bài thơ vịnh cái gông mà Kiều đang mang ở cổ. Kiều tuân lệnh, làm xong trình lên, phủ đường khen hay và khuyên cha Thúc Sinh: "Ngoài thì là lý, song trong là tình", rồi truyền cho phép Thúc Sinh cưới Kiều làm bé. Thương vì nết, trọng vì tài của Kiều, Thúc ông chấp thuận.
Vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư, vốn con nhà quan, phong cách lịch sự, khôn ngoan:
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Nàng ứng xử khéo léo, đúng khuôn phép, nhưng khi cần ra tay đối phó, nàng cũng thừa đủ mưu chước, thủ đoạn để làm cho ra lẽ mới thôi.
Thúc Sinh vắng nhà đã một năm. Trong thời gian ấy, nghe được tin chồng lấy Kiều, miệng người đã lắm, tin nhà thì không, Hoạn Thư vẫn nhẫn nhịn, nhưng càng nhẫn nhịn, càng thấy căm tức, đau khổ. Nàng cho đó là trò trẻ con, làm sao Thúc Sinh có thể giấu được mãi. Nếu Thúc Sinh biết điều, xin phép, nàng cũng sẽ ưng thuận, để tỏ ra là một chính thất hiền đức, khoan dung.
Thế kẹt của Hoạn Thư
- Tuy vậy, là người khôn ngoan, hiểu biết, Hoạn Thư hẳn cũng thấy rằng mình hiện đang ở vào thế kẹt lớn: Cha Thúc Sinh và quan trên đã chính thức cho phép Thúc Sinh cưới Kiều rồi. May mà Thúc Sinh hèn nhát, quen thói sợ vợ, nên chưa dám nghĩ đến việc cùng cha đưa Kiều về nhà nàng. Nếu ở trường hợp ấy, nàng cũng khó mà từ chối.
Hoạn Thư lại còn bị một thế kẹt nữa là nàng không có con. Đó là một cớ trong "thất xuất" ngày xưa để người đàn ông ly dị vợ (không con, dâm đãng và biếng nhác, bất hiếu với cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật). Đã không con mà còn cản không cho chồng lấy vợ bé để có con thừa tự nhà chồng, là bất hiếu ("Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" : có ba điều bất hiếu với cha mẹ, mà điều lớn nhất là"vô hậu", không có con nối dòng). Rồi nếu sinh chuyện gây gổ, hành hung thì còn bị ghép vào tội ghen tuông trong "thất xuất" nữa.
Cho nên, Hoạn Thư phải làm cách nào tránh không để cho ai có thể buộc mình vào các tội bất hiếu, ghen tuông thất lợi cho nàng. Điều đó cũng không khó khăn gì cho lắm, vì nàng vốn là con nhà nề nếp, có ghen cũng không dại gì ra mặt đánh ghen một cách lỗ mãng vũ phu, đã trái với gia phong, mà còn rước tiếng ghen vào người, cho thiên hạ cười chê. Điều khó, là Hoạn Thư phải làm sao cho Thúc Sinh phải tiếp tục giấu.
Làm cho Thúc Sinh tiếp tục giấu, tức là chàng không mở miệng xin lấy Kiều, Hoạn Thư sẽ có thời gian dùng tình cảm lôi kéo chồng, làm cho chồng quên Kiều mà trở lại với nàng.
Giải pháp tình cảm
- Về phần mình, Hoạn Thư cũng giấu không cho ai biết là nàng đã biết việc Thúc Sinh lấy Kiều. Trái lại, nàng cố làm cho mọi người tưởng nàng đã triệt để tin vào lòng thủy chung của Thúc Sinh. Thủ hạ đứa nào báo tin Thúc Sinh có vợ bé, đều bị Hoạn Thư sai vả miệng bẻ răng. Sau một năm, theo lời Kiều khuyên, Thúc Sinh về nhà, định bụng xin phép cưới Kiều. Hoạn Thư dư biết, song không gây gổ, giận dữ, hay tra gạn gì, mà vẫn một mực vui vẻ, chiều chuộng, âu yếm, tỏ ra tin yêu, quí trọng chồng. Nàng còn cho Thúc Sinh biết ở nhà thiên hạ xấu miệng dèm pha chàng có vợ bé, mà nàng đâu có tin những lời xuyên tạc vu vơ ấy. Nàng không để cho bị lung lạc, làm tổn thương đến tình nghĩa vợ chồng, để phải mang tiếng xấu chung. Thúc Sinh thấy vợ không nghi ngờ gì, thì:
Nghĩ đà bưng kín miệng bình.
Nào ai có khảo mà mình lại xưng!
Nhưng suốt một năm trời nàng tận lực dùng tình cảm giành lại chồng mà vẫn vô hiệu quả. Trái lại, Hoạn Thư nhận thấy Thúc Sinh càng ngày càng tưởng nhớ, yêu thương Kiều.
Một năm trời nàng và Thúc Sinh sống với nhau có vẻ êm ấm, thuận hòa, đó chỉ là một cảnh "đồng sàng dị mộng", gần gũi xác thân mà không hảo hợp tâm hồn, ngàn lần sầu thảm, thê thiết, tủi thân hơn cả cảnh chồng lén đi khuất mắt ở riêng với vợ bé nào đó!
Giải pháp cứng rắn
- Nhu không được thì phải cương. Bây giờ phải cứng rắn đối phó thế nào làm cho Thúc Sinh và Kiều phải xa nhau: Hoặc làm cho Kiều biến đi, hoặc làm Kiều tự ý bỏ đi.
1- Làm cho biến đi
tức là làm cho mất tích, không tìm ra được, hay "thủ tiêu" (ám sát) như trong cổ tích "Vợ hai ghen ngược vợ cả" sau đây:
"Xưa có một người lấy hai vợ. Hai người ngày nào cũng cãi nhau, đánh nhau, chồng không sao chịu được, cho mỗi người ở riêng một nhà, nhưng không cách xa nhau mấy. Có một thời gian, người chồng đi buôn bè vắng, vợ cả nghe thấy vợ hai ở bên nhà nghêu ngao hát rằng: "Chồng chung, chồng chạ, ai khéo hầu hạ, thì được chồng riêng! Chi mà sợ, chi mà kiêng!" Vợ cả biết nó gây sự với mình, tuy tức giận như vẫn làm thinh không nói năng gì.
Hôm sau về nhà kể chuyện cho mẹ, cho em nghe. Mẹ khuyên: "Một sự nhịn là chín sự lành. Con đừng đối đáp nó làm gì. Đợi chồng con về sẽ hay!" Em gái cũng bảo rằng: "Cần chi phải để tâm. Người ta thường nói: Dù anh năm bảy nàng hầu, Em đây cũng cứ ngồi đầu chính thê". Vợ cả nghe mẹ, em nói như thế, nên không gây gổ gì với vợ hai.
"Không ngờ vợ hai lại thuê côn đồ bắt vợ cả đem đi giết chết, chôn một nơi, rồi sẵn có thây chết trôi sông, chúng lôi bỏ vào nhà vợ cả phóng lửa đốt cháy. Sau chồng về, tưởng vợ cả bị chết vì nhà cháy, rất thương xót, không nghi ngờ gì.
"Một hôm ngồi trong hiên trông ra, vợ hai đang giặt áo quần ngoài ao, bỗng có con xanh xanh bay đến đậu trên cây hót to lên:
Phơi áo chồng tao thì phơi trên sào,
Đừng phơi hàng rào, tao cào mặt ra.
"Người chồng nghe phảng phất như tiếng vợ cả xưa, liền đến gốc cây, rũ tay áo ra nói rằng:
Xanh xanh kia hỡi xanh xanh!
Có phải vợ anh, chui vào tay áo!
"Thì quả nhiên chim xanh xanh bay vào trong tay áo thật, rồi một chốc biến đâu mất. Người chồng nghi ngờ, đem vợ hai ra tra khảo. Vợ hai phải thú tội, rồi sợ quá, đến đêm ra đâm đầu xuống ao tự tử." (1)
Nhưng Hoạn Thư không giết Kiều như ở cổ tích nầy, nhưng...
2- Làm cho Kiều tự ý bỏ đi,
là chủ đích trọng yếu của Hoạn Thư. Trong kế hoạch nầy, đoạn đầu, (phải chăng do một trùng hợp nào?) lại giống như cốt truyện trong cổ tích trên, nhưng khác nhau là sau khi bắt cóc xong, nàng không giết Kiều mà tìm cách làm cho Kiều và Thúc Sinh phải bị nhục nhã, ê chề cho hả dạ trước đã:
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay!
Nàng mớm ý cho Thúc Sinh nên về Lâm Tri thăm cha cho phải đạo làm con. Khi Thúc Sinh vừa ra khỏi nhà, Hoạn Thư liền về bàn với mẹ sai hai tên Khuyển và Ưng đi đường tắt đến bắt cóc Kiều. Xong, đốt nhà, ném một thây chết vô chủ vào lửa để phi tang, xông thuốc mê cho Kiều ngất đi, nhưng không đem Kiều về nhà Hoạn Thư ngay cho khỏi bị lộ, mà đem về nhà mẹ nàng.
Khi Kiều tỉnh dậy, mẹ của Hoạn Thư tra gạn lý lịch, Kiều vừa khai vốn là con nhà khá giả... thì bà liền cắt lời, quát mắng Kiều là đồ "trốn chúa lộn chồng" mà đến đây còn phách lối, và sai đánh 30 gậy để cho "biết tay một lần", rồi đổi tên Kiều ra "Hoa Nô" (đứa ở gái), ghép vào hàng tôi tớ trong nhà. Mụ quản gia thương tình thuốc men, an ủi và dặn Kiều rằng:
Ở đây tai vách mạch rừng,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi!
Mấy ngày sau, Hoạn Thư đến thăm mẹ, nói cần một nữ tỳ. Bà mẹ sai Hoa Nô qua nhà Hoạn Thư giúp việc. Một hôm, Hoạn Thư hỏi Kiều nghề chơi biết được môn gì? Kiều thưa biết chơi hồ cầm. Nàng đưa đàn cho Kiều gảy. Nghe tiếng đàn:
Nỉ non, thanh thót, dễ say lòng người!
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Bản Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử (2) cũng kể như vậy, nhưng nói rõ hơn là "Tiểu thư nghe xong tỏ ý vui mừng, bảo ngươi đã giỏi ngón đàn, vậy thì từ đây về sau cứ ở bên ta, để lúc thư nhàn giúp thêm cảm hứng, khỏi phải ở lẫn trong đám tôi đòi như trước. Kiều ngỏ lời cảm tạ tiểu thư có lòng cất nhắc, từ hôm ấy, ngày đêm được ở bên cạnh tiểu thư, nhờ có cung đàn cũng tạm bớt được nỗi bất bình".
Thúc Sinh khi về thăm cha, thấy Kiều bị thiệt mạng vì nhà cháy, buồn rầu, than khóc một thời gian, rồi trở về quê. Hoạn Thư vồn vã đón Thúc Sinh vào nhà. Vợ chồng hàn huyên xong, Hoạn Thư cho gọi Hoa Nô ra chào ông chủ. Kiều sửng sốt, không ngờ đây là Thúc Sinh, biết ngay mình đã bị sa vào tròng rồi. Sực nhớ đến lời dặn của mụ quản gia, Kiều đành phải cúi đầu quì xuống thi lễ. Thúc Sinh chợt nhìn thấy Kiều thì phách lạc hồn xiêu, thấy mình đã bị mắc mưu Hoạn Thư, biết làm sao mà cứu nhau được, quá xúc động nước mắt tuôn ra tràn trề.
Hoạn Thư gạn hỏi:
- Mới về mà chàng có việc gì phải động lòng như thế?
Thúc Sinh dối rằng:
- Vì mẹ mất sắp hết tang, bỗng nhớ lại thân mẫu ngày trước mà ứa lệ.
Hoạn Thư rằng: Nếu quả những giọt nước mắt của chàng vì thương thân mẫu nên mới trào ra, thực cũng đáng khen là bậc hiếu tử! Vậy thiếp xin bày tiệc rượu "tẩy trần" để chàng giải khuây (tiệc mừng "rửa bụi" cho người đi đường xa đến thăm).
Rồi : Vợ chồng chén tạc, chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan, bắt nhặt đến lời,
Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay.
Thúc Sinh : ...Lại càng như dại, như ngây,
Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.
Ngảnh đi, chợt nói, chợt cười,
Cáo say, chàng đã tính bài lảng ra.
Thúc Sinh thấy không sao chịu nổi, muốn xô bàn rượu mà ôm lấy Kiều để khóc rống lên, nhưng... sợ vợ, nên không dám. Hoạn Thư thì cứ ngọt ngào mời mọc, mà chàng thì một mực cứ chối từ. Hoạn Thư liền thét bảo Kiều:
Khuyên chàng chẳng cạn, thì ta có đòn!
Thúc Sinh rụng rời chân tay, đành phải gắng uống cho hết một chén to đầy rượu. Tiệc chưa xong, Hoạn Thư đã bày ra trò khác: bảo Kiều đem đàn ra gảy cho Thúc Sinh nghe:
Bốn giây như khóc, như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ,
Người trong khóc thầm!
Hoạn Thư lại quát mắng:
- Hoa Nô! Tiệc vui mà ngươi lại đàn bài đoạn trường. Sao chẳng biết ý tứ gì? Làm cho ông buồn, tội ngươi khó tha!
Thúc Sinh kinh hãi sợ Kiều bị hành hạ,vội vàng gượng nói, gượng cười cho qua... Tấn bi hài kịch kéo dài mãi đến canh ba:
Tiểu thư nhìn mặt, dường đà cam tâm,
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm :
"Vui nầy đã bõ đau ngầm xưa nay!".
Hoạn Thư đau khổ suốt hai năm trời, nay chỉ đứng đạo diễn tấn bi hài kịch nầy chưa trọn một đêm mà đã hả lòng. Nhưng nàng lại thấy rằng để Thúc Sinh và Kiều ở gần nhau mãi cũng rắc rối. Phải làm thế nào cho Kiều tự ý bỏ đi, không đợi nàng mở miệng xua đuổi.
Thế rồi, thường thấy đôi mắt Kiều sưng và đầy nước mắt, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì nguồn cơn gì ? Kiều viết tờ khai, đại ý nói quê nàng ở Bắc kinh, vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào thanh lâu, có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng bị bắt đưa vào cửa nhà quan... buồn khổ, mong được vào chùa tu cho nhẹ nợ trần. Đọc tờ khai xong, Hoạn Thư:
Dường có ngẩn ngơ chút tình.
Rằng: Tài nên trọng, mà tình nên thương!
Ví chăng có số giàu sang,
Giá nầy dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời!
Hoạn Thư đồng ý cho Hoa Nô vào Quan Ăm các sau vườn để chép kinh.
Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử, cũng kể y như thế, song đầy đủ chi tiết hơn: "Hôm sau, Thúc Sinh cùng Hoạn Thư tắm gội trai giới, cùng lên kiệu để tiễn Thúy Kiều vào Quan Ăm các. Nàng toan thi hành đại lễ (bái phục), tiểu thư rằng: "Bây giờ ngươi đã là hạng thượng nhân (tu đạo), chép kinh thay ta để tròn ý nguyện, tức là đệ tử của Phật, không cần thi hành đại lễ ấy nữa". Hoạn Thư khấn rằng: "Trước kia đã hứa sao lục bộ Hoa Nghiêm kinh, nay xin..." Vừa khấn đến hai tiếng trên, thì tiểu thư bỗng nhiên ngừng lại, quay hỏi Thúc Sinh: "Trước đức Bồ Tát mà nói hoa nô (đứa ở gái) chép thay, há chẳng khinh nhờn quyển kinh đó sao?" Thúc Sinh đáp: "Nếu nói về danh phận người chép kinh, thì nên xưng là cúng dạng mới phải." Hoạn Thư nói: "Nghĩ nên thay cho nàng một đạo hiệu gì?" Thúc Sinh nhìn trên biển treo thấy có hai chữ "Trạc Tuyền" bèn bảo vợ: "Thôi lấy hai chữ ấy đặt đạo hiệu cho nàng". Hoạn Thư khấn tiếp: "Nguyên trước đệ tử hứa chép bộ Hoa Nghiêm kinh, nay đặc biệt trao cho cúng dạng Trạc Tuyền, một tay sao lục, hôm nào hoàn thành, xin tu bổ công đức". Khấn xong Hoạn Thư truyền bảo hai nữ tỳ Xuân Hoa, Thu Nguyệt rằng: "Chép kinh không phải công việc tầm thường, hai ngươi phải siêng năng phục dịch, nếu có lỗi lầm, khi ta xét thấy, nhất định sẽ trị tội nặng." Hai thị nữ cúi đầu vâng dạ. Đoạn hai vợ chồng Thúc Sinh quay ra. Thúy Kiều toan đi tiễn chân. Hoạn Thư bảo: "Thôi, cứ ở lại chép kinh, đừng câu nệ lễ nghi lai vãng." (3)
Rồi Hoạn Thư tạo hoàn cảnh cho Kiều bỏ trốn. Nàng tuyên bố về thăm mẹ. Thúc Sinh tưởng thật, lén đến chùa cùng Kiều kể lể, than khóc dông dài. Kiều hỏi có cách gì cứu nàng không? Thúc Sinh chỉ trả lời:
Liệu mà xa chạy, cao bay,
Ái ân ta có ngần nầy mà thôi!
Vừa lúc đó, Hoạn Thư bước vào, cười cười nói nói ngọt ngào, hỏi Thúc Sinh "mới ở chốn nào lại đây?" Thúc Sinh đáp đi dạo ngắm hoa, quá bước tạt vào coi viết kinh thế nào.
Hoạn Thư liền cầm bản chép kinh xem:
Khen rằng: Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan-đình, (4) nào thua!
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài!
Hoạn Thư và Thúc Sinh ra về, Kiều hỏi hai tỳ nữ Hoạn Thư đến lúc nào? Đáp bà đến đã lâu, núp nghe câu chuyện giữa hai người từ đầu chí cuối. Kiều sợ hãi vô cùng, nghĩ rằng Hoạn Thư quả là một con người rất thâm độc, ở lâu chắc khó toàn tánh mạng. Câu "liệu mà xa chạy cao bay!" của Thúc Sinh lại hiện ra trong trí nàng. Phải, nàng phải tìm cách trốn thoát ra khỏi nơi nầy mới yên thân, nhưng đất khách quê người, ra đi tay không, ai mà chứa chấp? Buộc lòng nàng phải lấy trộm các đồ thờ bằng vàng, bạc trên bàn Phật đem theo hộ thân. Rồi thừa lúc hai nữ tỳ ngủ say, Kiều leo tường trốn đi. Nhưng Hoạn Thư bỏ qua, không cho người lùng bắt Kiều.
*
Về đòn ghen của Hoạn Thư, Nguyễn Du cho đó là một đòn: "nhẹ như bấc, nặng như chì " (câu 1879) và chỉ than một câu "Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen" (câu 1874). Còn những lời chỉ trích Hoạn Thư như "tinh ma, miệng hùm nọc rắn, nham hiểm giết người... " là của Kiều, nạn nhân của Hoạn Thư, chủ quan thốt ra. Rồi, vì thương Kiều, chúng ta hùa nhau lặp lại như thế mãi cho đến ngày nay. Có ai thông cảm được với nỗi đoạn trường của Hoạn Thư, một nạn nhân đáng thương của chế độ đa thê hà khắc ngày xưa không?
Có người chồng ngoại tình, địch thủ lại tài hoa, nhan sắc hơn mình, cha chồng và quan trên tác hợp, còn mình, vợ cả, lại bị luật lệ "thất xuất", lễ tục "phụ quyền" kiềm cặp, ràng buộc. Tưởng không có nỗi đau khổ, uất ức, nhục nhã nào hơn!
Mà "đố kỵ, ghen tuông là một trong bản chất con người tư hữu và chiếm hữu. Tình yêu là thứ đòi hỏi chiếm hữu mãnh liệt nhất. Nhất là khi đã thành vợ chồng, vì được luật pháp cho phép. Thúc Sinh đã tự ý làm mất sự phối hiệp giữa chàng và Hoạn Thư, nên Hoạn Thư đòi lại, thế thôi! Dù thương Kiều bao nhiêu, ta cũng khó trách cứ Hoạn Thư về mặt nầy. Nàng quá nặng tay với Kiều chăng? Có thể, nhưng nếu không thế thì làm sao dứt được Thúc Sinh khỏi Kiều? " (5)
Thật ra, từ khi Kiều bước chân vào nhà Hoạn Thư cho đến khi bỏ trốn, Hoạn Thư không hề đánh Kiều một roi nào. Cách hành hạ trả thù của Hoạn Thư không phải là làm cho Kiều phải đau đớn mà làm cho Kiều phải nhục nhã, và Thúc Sinh phải lộ chân tướng hèn nhát, bội bạc ra:
Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Khiến cho tình nghĩa giữa Thúc Sinh và Kiều ắt phải bị tan vỡ từ đây.
Con người Hoạn Thư thiện ác thế nào? Một buổi tối làm cho Kiều và Thúc Sinh phải ê chề nhục nhã, Hoạn Thư đã hả lòng. Từ đó, nàng hòa hoãn hơn. Hai lần nàng nói với Kiều, ngay trước mặt Thúc Sinh, rằng nàng trọng tài, quí nết, cùng xót thương cho số phận truân chuyên của Kiều. Điều nầy, có kẻ cho là giả dối, nhưng riêng chúng tôi, thì thấy rằng Hoạn Thư đã có phần thành thật, vì nàng đâu có bắt buộc phải nói như thế để làm gì? Nếu không phải là để an ủi, đem lại cho Kiều một ít tự tin vào giá trị của mình đã bị chà đạp, mất mát!
Thông cảm với nỗi khổ tâm của kẻ tình địch, phải là người có từ tâm và tri kỷ tri bỉ, mới có thể ứng xử như thế được. Xưa Hoàn Ôn đi đánh Hung Nô, đem về một công nương vùng ấy làm vợ hầu. Vợ cả ghen tìm đến tận nhà để hành hung. Nhưng vừa bước vào, thấy vợ hầu của chồng nhan sắc tuyệt trần, nhất là phong cách cung khiêm, lịch sự, dịu dàng, liền than rằng: "Con người như thế nầy, ta thấy còn phải mê thay, trách gì lão gia nhà ta!"
Hoạn Thư có hiểm ác không? Kiều trộm đồ trốn đi, nàng có thể bắt để quan trên gia hình, tù tội. Sau, Kiều có ra tù, nàng có quyền không cho chồng lấy Kiều, vì Kiều đã trộm cắp, ("thất xuất" điều 5). Nhưng Hoạn Thư có làm như thế đâu?
Hoạn Thư đã ứng xử theo thường tình hiện hữu của dân gian, là "chút dạ đàn bà, ghen tương thì cũng người ta thường tình!...Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai ?", nhưng đặc biệt Hoạn Thư ứng xử "ngoài thì là lý, song trong là tình ", có nhu mà có cương, có thù ghét mà cũng có xót thương, có cột mà cũng có mở, nặng tay đó nhưng vẫn giữ được "cái nhân hậu", chớ không "cạn tàu ráo máng", đúng theo bản tính trung hòa hằng hữu của con người Việt Nam.
Đòn ghen của Hoạn Thư là một tấn bi hài chống chế độ đa thê, nhiều giá trị kịch tính, tình địch trực diện biết rõ lai lịch nhau, mà lại đứng vào những cương vị ngụy tạo để ứng xử, đối đáp "người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm".
Đây cũng là một đoạn văn nhiều giá trị thẩm mỹ nghệ thuật nhất nhì trong Đoạn Trường Tân Thanh, đáng được nghiên cứu thấu đáo hơn. Chúng ta thương những nỗi đoạn trường của Kiều, nhưng sao lại quên được những nỗi đau khổ, nhục nhã của Hoạn Thư, một nạn nhân cũng như muôn vàn nạn nhân khác, của chế độ đa thê hà khắc phi nhân.
CHÚ THÍCH
(1)- Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam, Hà Nội 1932, t. 1, tr. 51.
(2)- Phạm Đăng Quế, Truyện Kiều đối chiếu, Hà Nội, 1991, tr. 300, 301 - trình bày Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử (Nhân), hồi 14, (Nguyễn Đình Diệm dịch).
(3)- Phạm Đăng Quế, s.đ.d., hồi 14.
(4)- Lan-đình: xưa Vương Hy Chi, đời Tấn, viết tại Lan-đình bài tựa tập thơ, chữ rất đẹp, đời sau lấy làm mẫu, gọi là chữ "Lan-đình".
(5)- Nguyễn Thùy & Trần Minh Xuân, Đoạn Trường Tân Thanh, Tiếng Vui Trong Lời Buồn, Mékong Tỵ Nạn, CA. H.K., 1983, tr.158-160.
Mua Bán Bitcoin - ETH- Các loại coin khác
Mua hàng gì cũng giảm giá, khuyến mại => Bấm vào đây
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment