loading...
Bấm vào đây để xem thống kê điểm chuẩn lớp 10 các tỉnh thành
Mua bán Bitcoin - ETH - Các loại coin bấm vào đây
Năm 2017, nếu Bộ GD&ĐT tổ chức thi với 5 bài thi sẽ tạo áp lực quá lớn cho việc dạy học, ôn thi đối với giáo viên, học sinh (gấp 1,5 đến hơn 2 lần năm 2016). Và tạo điều kiện “nở rộ” cho các lò luyện thi, dạy thêm, học thêm. Lại có thể có lớp luyện thi, dạy thêm môn Giáo dục công dân nữa.
Đó là ý kiến của nhà giáo Nguyễn Văn Ưng, giáo viên trường THPT Lê Hồng Phong – Tp Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai trước dự thảo thi 2017 mà báo chí đã đưa tin.
Hai năm qua (2015, 2016), mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa ra một phương án thi THPT quốc gia. Về kỳ thi năm 2017, trong cuộc họp báo chiều ngày 4/9/2016, Bộ trưởng có nói “Phương án thi cử năm nay không phải là phương án đổi mới” mà chỉ là tiếp tục hoàn thiện từ phương án năm 2016.
Như vậy, năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH-CĐ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc… Kì thi THPT quốc gia năm 2017 vẫn duy trì hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ
Bộ GD-ĐT đang bàn phương án thay thế tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân)
Thực tế, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc hai phương án: hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ năm bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi bốn bài gồm ba bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân)
Nhiều bất hợp lý
Không thể phủ nhận những điểm tích cực của kỳ thi THPT quốc gia trong hai năm 2015, 2016. Nhưng những dự tính thay đổi trên của Bộ trong kỳ thi năm 2017 đã khiến rất nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh băn khoăn, bức xúc. Là một công dân, một phụ huynh học sinh, cũng là một giáo viên THPT đã 35 năm dạy học và hiện đang giảng dạy tại một trường THPT, tôi cũng có những bức xúc, băn khoăn như họ.
Tôi xin phép được bày tỏ một số suy nghĩ của mình về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 như sau:
- Vẫn phải tổ chức kỳ thi quốc gia rầm rộ mà tất cả mọi học sinh đang học lớp 12 đều phải tham gia dù nhiều học sinh chỉ có mục đích để tốt nghiệp. Như vậy vẫn tạo ra sự vất vả và tốn kém tiền bạc cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhiều tầng lớp xã hội khác (những người tiếp sức mùa thi). Đặc biệt là tốn kém nhiều ngàn tỉ đồng để tổ chức kỳ thi trên toàn quốc mà kết quả thì gần như 100% học sinh đậu tốt nghiệp.
- Nếu học sinh “phải thi đủ 5 bài thi” thì thực chất là phải thi chín môn học (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Còn nếu học sinh “chỉ thi bốn bài” thì thực chất cũng phải thi sáu môn học, gồm ba bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Như vậy sẽ tạo áp lực quá lớn cho việc dạy học, ôn thi đối với giáo viên, học sinh (gấp 1,5 đến hơn 2 lần năm 2016). Và tạo điều kiện “nở rộ” cho các lò luyện thi, dạy thêm, học thêm. Lại có thể có lớp luyện thi, dạy thêm môn Giáo dục công dân nữa.
- Vẫn có tình trạng học lệch trong học sinh nếu “chỉ thi bốn bài”; Vẫn có sự bất hợp lí khi một kỳ thi với một đề thi nhưng lại có hai mục đích hoàn toàn khác nhau; Vẫn có sự bất hợp lí khi học sinh tốt nghiệp THPT mà không được xếp loại. Như vậy học sinh khá giỏi cũng như học sinh trung bình yếu.
Không nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Tốt nghiệp THPT, theo đúng nghĩa, là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong suốt ba năm học THPT. Đối với học sinh lớp 10 và 11, trong hai năm học đã trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá với rất nhiều bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (trong đó, mỗi năm học có hai bài thi học kỳ), học sinh nào không đủ năng lực đã phải ở lại lớp.
Đến năm lớp 12, học sinh tiếp tục được kiểm tra, đánh giá như hai năm học trước, trong đó có hai bài thi học kỳ do Sở Giáo dục ra đề, và gần như 100% học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, tức là đã được công nhận hết lớp 12 (có bị cấm thi nhưng rất ít). Như vậy kết quả ba năm học đã là quá đủ để học sinh tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, sau khi tốt nghiệp THPT, chỉ có khoảng 1/3 số học sinh xin xét tuyển đại học, còn phần lớn học sinh sẽ đi học nghề, đi làm công nhân, hay ở nhà lao động, kinh doanh cùng gia đình, các em ấy có đáng phải trải qua một kỳ thi đầy áp lực, vất vả, tốn kém như vậy không ? Và để chuẩn bị cho các em tham dự kỳ thi còn có sự lo lắng của biết bao nhà trường, giáo viên, phụ huynh, lực lượng tiếp sức mùa thi và các ban ngành, đoàn thể có liên quan (công an, điện lực, giao thông, y tế,…).
Vì vậy, ngay trong năm 2017 này, Bộ không nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà chuyển thành xét tuyển tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển này giao cho Sở Giáo dục các địa phương thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục. Các Sở Giáo dục căn cứ kết quả học tập và rèn luyện ba năm học để xét và xếp loại tốt nghiệp THPT cho học sinh. Đó không chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, mà qua các trang mạng, còn thấy đó là nguyện vọng của rất nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên và các tầng lớp xã hội khác.
Sau khi được xét và có bằng (hoặc giấy chứng nhận) tốt nghiệp THPT, học sinh nào có nguyện vọng học tiếp lên đại học sẽ đăng ký dự thi (hoặc xét tuyển) vào trường mà mình yêu thích. Như vậy chỉ học sinh có lực học khá giỏi mới dự thi, số lượng ấy có thể giảm trên 50% so với việc tổ chức thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích như hai năm vừa qua.
Việc tuyển sinh, Bộ sẽ giao cho các trường đại học tự chủ thực hiện theo phương án riêng, hoặc Bộ tổ chức thi “ba chung” như trước đây.
Bên cạnh đó, Bộ cần phải có một Ban khảo sát thị trường tuyển dụng lao động (hoặc phối hợp với Bộ lao động), từ đó phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học, đồng thời đầu tư cho các trường dạy nghề đã có và mở thêm trường mới để học sinh vào học (có thể một số trường đại học không tuyển sinh được phải chuyển thành trường dạy nghề). Có như vậy mới dần khắc phục được tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp không có việc làm như hiện nay.
Bài thi học kỳ của các môn do Sở GD&ĐT ra đề
Về lâu dài, để nâng cao chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT, các Sở Giáo dục cần tiến hành một số việc sau:
Giao cho Ban Giám hiệu các trường THPT nhiệm vụ kiểm tra, giám sát giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh qua các bài kiểm tra kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Riêng bài kiểm tra định kỳ của tất cả các môn học theo phân phối chương trình ở từng khối lớp (hệ số 2, từ 45 phút trở nên) có thể tiến hành kiểm tra tập trung với cùng một đề do tổ chuyên môn biên soạn. Như vậy sẽ có sự đồng đều, công bằng giữa học sinh trong cùng một khối lớp (nhiều trường THPT đã tiến hành kiểm tra tập trung từ lâu rồi).
Bài thi học kỳ của tất cả các môn học ở cả ba khối lớp (10,11,12) đều do Sở Giáo dục ra đề chung cho toàn tỉnh, các trường THPT tự tổ chức việc coi và chấm thi dưới sự kiểm tra, giám sát của Sở (hiện nay các Sở đều ra đề thi học kỳ cho học sinh khối 12)
Học sinh học xong lớp 12, các Ban Giám hiệu tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện trong ba năm học (10,11,12) của học sinh gửi về Sở. Căn cứ vào kết quả ấy, Sở sẽ xét, xếp loại và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Với những giải pháp trên, học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn và liên tục cố gắng trong ba năm học. Việc thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ là quá trình ba năm, là việc làm thường xuyên như hiện nay tại các trường THPT, do vậy sẽ trở nên bình thường, nhẹ nhàng cho giáo viên, học sinh, phụ huynh, đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước và tránh được nhiều hệ lụy khác. Việc tuyển sinh đại học cũng không còn nhiều phức tạp và bất cập như hiện nay. Việc phân luồng học sinh đi học nghề cũng sẽ đạt hiệu quả hơn. Sinh viên ra trường cũng có cơ hội kiếm được việc làm nhiều hơn.
Nguyễn Văn Ưng, giáo viên trường THPT Lê Hồng Phong – Tp Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai.
Mua Bán Bitcoin - ETH- Các loại coin khác
Mua hàng gì cũng giảm giá, khuyến mại => Bấm vào đây
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment