Vượt qua chặng đường hơn trăm cây số từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến tỉnh Attapư (Lào), chúng tôi ngạc nhiên và choáng ngợp trước những cánh rừng nguyên sinh trải dài bạt ngàn.
Chút suy tư khi bắt gặp trên đường những chiếc xe container khổng lồ chở hàng, những nhà máy chế biến khai thác gỗ và cao su của một tập đoàn nổi tiếng của Việt Nam…
Đoạn đường thỉnh thoảng xuất hiện những ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng cư trú của người Lào. Những ngôi nhà theo kiểu nhà sàn chân cao trên nền đất, hoặc theo kiểu xây vữa quét vôi. Bên dưới sàn để đựng nông cụ, vật dụng, phía trên mới là nơi sinh hoạt chủ yếu. Ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ là những chất liệu quen thuộc trong đời sống người dân, nhưng với người Lào, ý thức về việc bảo vệ rừng rất lớn, không chỉ trong đời sống vật chất mà còn vì các yếu tố trong đời sống tâm linh của họ. Do vậy, những cánh rừng nguyên sinh vẫn tồn tại rất tốt trên đất Lào.
Đăng ký du lịch Champask Lào - Bấm vào đây
Thỉnh thoảng ở hai bên đường, những đàn bò đi thong dong hay những chú trâu xám ung dung gặm cỏ hệt như bức tranh đồng quê Việt Nam. Điều này phần nào tạo cho chúng tôi cảm giác thân thuộc như đang ở quê nhà dù đã bước chân ra khỏi biên giới quê hương.
Sau hơn năm tiếng đồng hồ vượt đèo và những con đường của tỉnh Attapư, chiếc xe chở đoàn chúng tôi đã đến thị xã Paksé, thủ phủ của tỉnh Champasak…
Điều ấn tượng trong suốt chuyến đi chính là sự hiện diện của nhiều dấu ấn Việt Nam trên đất Lào. Kiều bào Việt Nam sinh sống trên đất Lào khá đông, đặc biệt là tại tỉnh Champasak dễ dàng bắt gặp những cửa hàng người Việt, những bảng hiệu tiếng Việt.
Tại đây, bạn có thể rất dễ tìm mua các
sản phẩm Việt Nam như nước mắm Nam Ngư, Hồng Hạnh, bánh kẹo Biên Hòa. Tại chợ Đào Hương (đặt theo tên của một người phụ nữ Việt giàu có nhất nhì ở Lào) - một ngôi chợ lớn ở vùng này, ta có thể đi chợ và trả giá bằng tiếng Việt.
Một lần được đến thăm trường tiểu học Hữu Nghị, có dịp tiếp xúc với kiều bào nơi đây, chúng tôi tiếp thu rất nhiều thông tin về đời sống của người Việt trên đất bạn. Đa phần, người Việt ở đây có nguồn gốc từ các tỉnh miền trung Việt Nam, đặc biệt là có nhiều người gốc Quảng Bình sang đây cư trú từ những năm 1919.
Giữ gìn những truyền thống và văn hóa của Việt Nam là những điều mà người Việt ở đây luôn tâm niệm; từ việc lập trường tiểu học cho con cái học tiếng Việt để giữ bản gốc quê hương, đến việc thờ cúng ông bà, đi lễ chùa theo cả lịch Việt và lịch Lào, các phong tục lễ tết, phong tục hôn nhân vẫn được bà con gìn giữ từ rất lâu…
Với người Việt sinh sống tại Lào, những ngôi chùa là nơi họ gửi gắm niềm tin tôn giáo sâu sắc nhất, là nơi để những người con xa hương tìm được những bình yên trong tâm hồn sau những mưu sinh thường nhật.
Tại Champasak, có những ngôi chùa Việt nổi tiếng như Long Vân Tự, Trang Nghiêm Tự, Kim Sơn Tự… Khác với những ngôi chùa Lào lộng lẫy thếp vàng được xây dựng tách biệt trên núi cao, có hàng trăm bậc thang đi lên, những ngôi chùa do người Việt dựng lên khá đơn sơ và giản dị. Có ngôi chùa còn nằm trong một con hẻm nhỏ với những ngôi nhà của người Việt xung quanh. Những ngôi chùa mà chúng tôi có dịp đến thăm như Kim Sơn Tự, Trang Nghiêm Tự… đều có các sư trụ trì người Việt tiếp đón.
Kiến trúc của các chùa này rất đơn giản với các chi tiết sơn nhiều màu sắc khác nhau, gồm có ba phần chính là tiền đường, chánh điện thờ Phật và Bồ Tát, và nhà hậu ở phía sau. Do chịu ảnh hưởng của Phật giáo Lào, các ngôi chùa Việt cũng có những tháp đựng tro cốt của những người đã khuất tạo thành dãy thẳng hàng xung quanh khuôn viên ngôi chùa. Mỗi tháp có thể chứa đựng tro cốt của một người, nhưng theo quan sát, đa phần các tháp này đều là nơi chứa hài cốt của nhiều người trong cùng một gia đình…
Sống trên đất bạn Lào, những người con gốc Việt luôn hướng về cội nguồn của mình, và ngôi chùa chính là một địa chỉ văn hóa không chỉ đáp ứng đời sống tín ngưỡng của kiều bào mà còn là nơi họ gặp gỡ, trò chuyện, gắn kết với nhau trên mảnh đất xa quê hương này.
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment